Bạn đang sở hữu một vườn hoa hồng xinh đẹp và bạn mong muốn chúng cứ mãi khoe sắc. Tuy nhiên, trong quá trình sinh trưởng, có những cây hoa hồng xuất hiện tình trạng vàng lá và ngày càng nghiêm trọng. Bạn muốn hiểu rõ hơn nguyên nhân bệnh vàng lá ở cây hoa hồng? Nội dung bài viết này sẽ giúp bạn khai thác thêm về chủ đề này.
Nội Dung Chính
Ngộ độc phân bón
Bón phân không đúng giai đoạn, rải phân quá sớm cho cây hồng mới giâm, cây sẽ nhanh héo. Sau một ngày có thể cây héo lá trên ngọn, bạn có thể hiểu lầm là do thiếu nước, nhưng đến 2 ngày sau quan sát thấy lá gốc chuyển sang màu vàng nhạt, tiếp đến khoảng ngày thứ 4, thứ 5 cây héo thân. Đó là dấu hiệu của hiện tượng ngộ độc phân bón hóa học do sử dụng quá liều lượng, làm nóng cây, cháy cây.

Do sâu đục thân
Dấu hiệu đầu tiên dễ nhận biết một cành hồng đã bị sâu đục thân gây hại là phần ngọn, đọt non, hoặc một phần thân cây hoa hồng bỗng nhiên héo rũ, sau đó khô hẳn, teo tóp lại. Dị dạng như sưng và nứt trên thân cây hồng già (đã chuyển sang thân gỗ).
Cây bị úng nước
Các lá hồng trưởng thành ở 1 số cành sẽ vàng (vàng cả lá hồng ít khi có đốm đen) và rụng dần. Sau đó, chúng sẽ rụng dần và làm cây hồng bị trơ cành. Phần giá thể trong chậu đến chiều tối kiểm tra thì đa phần là vẫn còn ẩm, điều này dẫn đến làm giảm khả năng hô hấp của rễ.

Cây thiếu nước
Do chúng ta không tưới nước đầy đủ, cây thường bị héo. Thường thiếu nước luôn làm cây thiếu dinh dưỡng vì không hút được dinh dưỡng, chứ không phải thiếu phân. Nếu chúng ta bón phân đầy đủ nhưng không tưới nước đủ hoặc tưới nước không thấm, cây sẽ không hút được dinh dưỡng. Thường các lá già bên dưới bị rụng trước. Thiếu nặng thì toàn bộ lá bị héo vàng, rụng.
Giá thể trồng hết dinh dưỡng
Thường cây ít đâm chồi non mới. Gần như tất cả các lá hồng trồng chậu đã hết dinh dưỡng đều có màu vàng nhẹ, không héo rũ. Một điểm nữa để nhận biết chậu hoa hồng đã hết dinh dưỡng là chậu này dù được tưới nước đầy đủ (đến chiều chậu đã khô ráo vì lúc này lượng rễ trong chậu đã hút hết nước trong chậu) và phun phân bón lá đầy đủ nhưng cây hoa hồng vẫn bị vàng lá.

Bộ rễ cây hoa hồng bị tổn thương
Do côn trùng, con sùng, cuốn chiếu…cắn hư 1 phần rễ, hoặc việc vận chuyển cây, thay chậu không cẩn thận làm đứt rễ, sử dụng hóa chất phân bón quá liều làm hư hại rễ, dẫn đến việc không cung cấp đủ nước và dinh dưỡng nuôi cây hoa hồng trong suốt cả ngày. Dấu hiệu dễ nhận thấy là: Sáng thì cây hoa hồng tươi tỉnh, trưa đến chiều cây héo rũ, tối thì cây hồng lại tươi trở lại.
Nấm bệnh gây hại trên hoa hồng
Thời điểm qua tết cây hồng lại hay bị bệnh. Thời tiết có độ ẩm cao là điều kiên thích hợp để cho cây phát triển cũng như là sâu bệnh và nấm hại cây phát triển mạnh nhất. Thường cây sẽ xuất hiện các vết bệnh, tùy nấm bệnh mà triệu chứng khác nhau. Nhưng đa số các lá bị bệnh đều có hiện tượng vàng, cháy, đốm, xoăn nhăn nhúm…

Trên đây là những thông tin liên quan đến bệnh vàng lá ở cây hoa hồng. Chúng tôi rất mong rằng dựa trên bài viết này, bạn sẽ xác đinh rõ hơn nguyên nhân khiến vườn hồng của mình bị vàng lá và có cách khắc phục phù hợp.