Cây ăn quả là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị cao cho nền kinh tế của nước ta. Việt Nam thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm nên có điều kiện thuận lợi để trồng các loại cây ăn quả: cam, xoài, nhãn, vải, sầu riêng,…Tuy nhiên, để đạt được năng suất cùng với chất lượng tốt thì đòi hỏi người trồng phải có hiểu biết về các loài sâu hại ăn quả để có các biện pháp quản lý kịp thời. Đọc ngay bài viết bên dưới nhé!
Sâu hại cây ăn quả phổ biến
Rệp sáp (Planococcus citri)

Vị trí gây hại: Rệp sáp gây hại vùng rễ và tất cả các bộ phận của cây chủ yếu là tán lá và trái. Khi rệp sáp tấn công vùng rễ, làm cho lá cây bị hại héo và vàng úa có thể nhầm với triệu chứng bị khô.
Triệu chứng: Chích hút nhựa làm chùm quả héo, rụng non. Khi rệp sáp tấn công vùng rễ, làm cho lá cây bị hại héo.
Mô tả đặc điểm hình thái:
+ Cơ thể của những trưởng thành được bọc bằng sáp trắng. Có một đường sọc màu xám đặc trưng dọc theo phía sau của chúng.
+ Thân hình bầu dục, có 2 loại là rệp sáp đuôi dài và đuôi ngắn.
Rệp vảy
Vị trí gây hại: Rất nhiều loài rệp vảy và có màu sắc khác nhau. Trong vườn chúng thường bám đầy vào cành lá và có vảy màu đen, nâu hoặc xanh. Trong vài trường hợp, có thể bất ngờ khi nhận thấy trong thời gian ngắn cây trồng bị nhiễm còi cọc và chết. Vì vậy, cần khống chế rệp vảy càng sớm càng tốt khi phát hiện. Rệp vảy tụ tập trên lá, cuống, thân, chích hút nhựa cây làm cây lùn và còi cọc rồi chết.
Triệu chứng: Rệp vảy tiết ra chất ngọt dẫn đến việc tạo thành một lớp muội đen bao phủ lá làm giảm khả năng quang hợp, nặng thì làm rụng lá. Nấm có màu đen gọi là bồ hóng mọc trên dịch ngọt do rệp vảy tiết ra. Nấm này làm cho cây mọc yếu và có hình dạng khó nhìn. Kiến cũng thích dịch ngọt của rệp và sẽ giúp cho rệp di chuyển, lan truyền.
![]() |
![]()
|
Mô tả đặc điểm hình thái: Rệp vảy nâu có vỏ cứng màu nâu và gồ cao lên rất dễ nhận ở trên mặt, chúng bám ở trên lá và thân. Rệp vảy gạch có màu gạch.
Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella)

Vị trí gây hại: Chủ yếu gây hại trên lá
Triệu chứng: Sâu đục vào trong ăn nhu mô lá để lại biểu bì trong và bóng, sâu đục đến đâu thải phân đến đó tạo thành 1 đường ngoằn ngoèo. Khi sâu gây hại, lá nhỏ, dị dạng ảnh hưởng đến sự phát triển của chồi non. Hoa và trái có thể bị rụng khi cây bị gây hại nặng. Ở giai đoạn cây con nếu bị gây hại thường xuyên cây sẽ kém phát triển và có tán nhỏ hơn bình thường.
Mô tả hình thái: Sâu non màu xanh nhạt, cơ thể dẹt không có chân, đầu nhỏ đuôi nhọn, thân phình to.
Câu cấu (Hypomeces squamosus và Platymycterus sieversi)

Có hai loại là câu cấu to và câu cấu nhỏ. Đây là loài sâu hại trên cây ăn quả hay gặp, chúng gây hại chủ yếu trên các loại cây có múi như cam quýt và một số loại cây ăn quả khác như xoài, nhãn, vải,…Câu cấu to thường xuất hiện số lượng ít. Câu cấu nhỏ là loại nhân ra rất nhanh có thể thành dịch. Đây là loài gây hại cây ăn quả rất nguy hiểm bởi số lượng lớn, phàm ăn.
Vị trí gây hại: Chúng ăn cụt các đọt non, lá non, lá bánh tẻ, thậm chí cả lá già và quả non
Triệu chứng: Câu cấu ăn khuyết lá, cắn đứt chồi non và rụng hoa. Quả bị hại nặng có thể rụng, quả bị nhẹ làm vỏ quả biến dạng, giảm phẩm cấp thương phẩm quả. Câu cấu trưởng thành xuất hiện sau các đợt mưa khi cây cam quýt đang ra lộc hè và lộc thu. Câu cấu phá hại lộc làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây, lộc thu nó còn làm giảm năng suất vườn cây năm sau.
Mô tả đặc điểm hình thái: Câu cấu có màu xanh vàng óng ánh, miệng nhọn và quặp.
Biện pháp quản lý sâu hại cây ăn quả phổ biến
Tùy vào loại cây ăn quả khác nhau, điều kiện sinh thái như không khí, độ ẩm, đất đai,… mà cây ăn quả gặp phải những loại sâu bệnh khác nhau.
Để quản lý sâu bệnh hại trên cây ăn quả, người trồng cần lưu ý một số biện pháp sau:
- Lựa chọn những giống tốt, khỏe, các cành ghép có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
- Trồng theo phương pháp thâm canh nhằm tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh của cây.
- Mỗi loài sâu bệnh có một loài thiên địch tự nhiên. Do vậy bà con nên bảo vệ và phát huy các loài thiên địch, thu hút và tạo điều kiện cho chúng cơ trú để phòng chống sâu bệnh.
- Giữ vệ sinh vườn cây, làm cỏ sạch sẽ, kịp thời thu gom lá, hoa quả rụng, cành gãy. Thường xuyên kiểm tra và loại bỏ những cành cây bị bệnh,tỉa cành tạo tán để ngăn ngừa sâu bệnh phát sinh và lây lan. Cần tiến hành quét nước vôi hoặc thuốc Boocđô vào gốc cây theo định kỳ.
- Khi cây bị sâu bệnh cần thường xuyên theo dõi và tiến hành các biện pháp loại trừ như thủ công, sinh học. Và biện pháp hóa học là biện pháp sử dụng cuối cùng.
Trên đây là những chia sẻ của Thế Giới Làm Vườn về các loài sâu hại cây ăn quả. Hi vọng chúng sẽ là những kiến thức bổ ích mang lại những vụ cây ăn quả bội thu và đạt chất lượng cao!
Xem thêm:
Top 5 sâu hại rau mà bạn nên biết
Diệt sùng đất trong giá thể cây trồng – kẻ chuyên phá hại rễ cây